"Once Upon a Time in Hollywood"
Once Upon a Time in Hollywood được ví là "bức thư tình" đạo diễn Quentin Tarantino gửi tặng Hollywood. Nhà thiết kế Arianne Phillips tái hiện thành công hình ảnh thời vàng son của kinh đô điện ảnh. Tác phẩm có khoảng 50% đồ thiết kế và 50% trang phục vintage được tìm kiếm khắp nước Mỹ. Những mảnh hồi ức về sự giao thoa của thập niên 1960 và 1970 như đồ jeans, chân váy chữ A, kính phi công, bốt go-go (loại bốt thấp gót vuông), trang phục denim và da... xuất hiện xuyên suốt tác phẩm. Các tạp chí thời trang đánh giá tác phẩm đã thể hiện tốt sự thay đổi thời thế thông qua trang phục theo thông điệp đạo diễn muốn truyền tải.
Trang phục thập niên 1960 - 1970 trong "Once Upon a Time in Hollywood"
Ngoài ra, tạo hình bám sát lịch sử trong phim dịch thuật cũng là cách bày tỏ sự tri ân sâu sắc của Arianne Phillips dành cho Sharon Tate - minh tinh Hollywood bạc mệnh trong vụ thảm sát "Gia đình Manson" năm 1969. Nữ diễn viên quá cố có gu thời trang tinh tế và tự do, di sản thời trang đồ sộ. Đó là thách thức nhưng cũng là niềm tự hào của nhà thiết kế khi có thể tìm lại những trang phục nguyên bản của minh tinh ngày trước.
Từng hai lần nhận đề cử Oscar cho thiết kế phục trang trong Walk the Line (2005) và W.E. (2011), Once Upon a Time in Hollywood giúp Arianne Phillips trở thành cái tên sáng giá trên đường đua chinh phục tượng vàng Oscar năm nay.
"Little Women"
Little Women là một bộ phim về nữ quyền đặt trong bối cảnh nội chiến Mỹ. Nhà thiết kế kỳ cựu Jacqueline Durran tạo ra những trang phục truyền thống đặc trưng của thời Victoria nhưng vẫn thể hiện tinh thần cấp tiến, tự do của bốn chị em nhà March.
Với kinh nghiệm dày dặn từng nghiên cứu nhiều về trang phục lịch sử, bà đã dựa vào một chi tiết nhỏ trong tiểu thuyết gốc: màu sắc của mỗi cuốn sổ mà người mẹ tặng các con gái, để thiết lập bảng màu cho mỗi nhân vật. Nữ chính Jo March thường mặc đồ có điểm nhấn màu đỏ, đại diện cho tính cách mạnh mẽ, táo bạo và tham vọng, hoặc đồ nam tính như áo gilet, blazer, sơ mi công sở... thể hiện tinh thần cấp tiến.
Trong khi đó, cô chị cả Meg dịu dàng và truyền thống trong váy áo chủ đạo màu xanh lá và tím oải hương. Beth xuất hiện với trang phục màu hồng và nâu, toát lên vẻ nhút nhát, nhạy cảm và yếu đuối của một nhân vật đoản mệnh. Còn cô em út Amy sở hữu tủ đồ đắt giá và thời trang nhất phim, tương ứng với tương lai tươi sáng và cái kết viên mãn. Dì March - nhân vật cứng nhắc và bảo thủ nhất - tuân thủ nghiêm ngặt phục trang thời kỳ này với đồ tối màu, mũ bonnet và khăn trùm voan.
Phim "Little Women" kể nhân vật qua màu sắc
75 bộ trang phục xuyên suốt phim được các tạp chí thời trang như Vogue, Variety đánh giá cao khi giữ được hơi thở nữ tính của thời Victoria nhưng vẫn toát lên nhiều nét đương đại, hợp thời, có thể thay cho nhân vật phát lên thông điệp trong một bộ phim về nữ quyền. Vogue đánh giá tác phẩm thể hiện tay nghề vững chắc của Jacqueline Durran trong dòng phim về lịch sử, hứa hẹn tiếp tục đem về tượng vàng Oscar cho nhà thiết kế.
"Joker"
Theo Variety, Joker là một thử thách đối với nhà thiết kế Mark Bridges, bởi tác phẩm lần này yêu cầu hình ảnh gã hề Joker điên rồ và ma mị nhưng phải hoàn toàn khác biệt các phiên bản trước. Giới chuyên môn nhận định tủ đồ của nhân vật Joker trông sành điệu và giàu ẩn ý hơn dưới bàn tay của Bridges - một nhà thiết kế am tường về thời trang thập niên 1980.
Sinh ra trong một tầng lớp bị khinh miệt trong xã hội, ban đầu Arthur Fleck - tên thật của Joker - mặc trang phục cũ kỹ sờn rách, gam màu trung tính hoặc nâu vàng mang vẻ u buồn phù hợp giai cấp nghèo khổ ở nước Mỹ. Trong phân cảnh chạm mặt nhau giữa Arthur và Bruce Wayne (Batman lúc nhỏ), cả hai đều mặc trang phục màu đơn giản nhưng cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa hai tầng lớp, cũng như thế giới khác biệt của hai người.
Thời trang phản ánh quá trình biến đổi Joker
Khi hóa thân thành chú hề, Joker diện trang phục lẫn trang điểm sắc sảo lấy cảm hứng từ gã hề Pogo. Những đường nét sắc cạnh góp phần vào hình ảnh đáng sợ của gã trong mắt trẻ em. Bông hoa cài trên trang phục biểu diễn của Arthur cũng gợi nhớ đến bông hoa phun acid của Joker - một trong những vũ khí mà hắn thường sử dụng trong tác phẩm truyện tranh.
Ở đoạn kết phim, nhà thiết kế cho thấy sự biến chuyển về màu sắc trang phục. Bộ cánh của Joker nổi bật hơn bao giờ hết: mái tóc màu xanh bông cải, bộ suit đỏ kết hợp áo gilet vàng và sơ mi xanh lá cây. Hình ảnh tượng trưng cho khát vọng của Joker muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó, không bị người khác khinh thường.
Thành công trong việc cài cắm tầng tầng lớp lớp ý nghĩa trong tủ đồ của một nhân vật đã rất quen thuộc với khán giả, đó là lý do Mark Bridges được xướng tên trong danh sách ứng cử viên cho giải Oscar năm nay.
"Jojo Rabbit"
Là một tác phẩm hài đề tài chiến tranh, Jojo Rabbit không tôn vinh anh hùng, cũng không khơi gợi nỗi đau chiến tranh. Phim chỉ châm biếm Đức Quốc xã một cách dí dỏm, nhẹ nhàng. Với tinh thần ấy, phim sở hữu tủ đồ thời trang tươi sáng khác thường.
Nhân vật chính Jojo "thỏ đế" vốn là một đứa trẻ "Phát xít nhí" da trắng, tự hào về dòng máu thượng đẳng, được đào tạo để trở nên tàn nhẫn và sẵn sàng giết chóc nhưng thực chất có trái tim yếu mềm và giàu lòng trắc ẩn. Cậu sở hữu những bộ đồng phục Hitler bóng bẩy để bắt chước Quốc trưởng thần tượng. Trong khi đó, Rose - người mẹ đơn thân ghét chiến tranh, yêu hòa bình của Jojo lại là hiện thân của chủ nghĩa lãng mạn và tinh thần tự do đậm chất nghệ sĩ. Cô diện giày cao gót đỏ, áo khoác kẻ hình học màu sắc tương phản và mũ lông chim giữa thời binh biến - hình ảnh được lấy cảm hứng từ nhà thiết kế huyền thoại Elsa Schiaparelli. Ngay cả khi trang phục của các nhân vật dần trở nên tối hơn theo diễn biến của câu chuyện, bảng màu của Rose gần như không thay đổi.
"Jojo rabbit": Thời trang Thế chiến qua mắt trẻ thơ
Giới chuyên môn bất ngờ khi một bộ phim kinh phí thấp như Jojo Rabbit lại có một vé đề cử hạng mục "Phục trang xuất sắc". Theo Variety , Mayes Rubeo - nhà thiết kế Latin đầu tiên nhận được đề cử và từng cộng tác với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Avatar, Apocalypto và World War Z - có thể là ứng viên đáng gờm trên đường đua Oscar sắp tới. Vogue hay Variety cho rằng cùng Joker , Jojo Rabbit có khả năng chiến thắng cao.
" The Irishman"
Được mệnh danh là kiệt tác trong dòng phim gangster, The Irishman được đầu tư chỉn chu và bài bản về mặt trang phục, nhất là đồ nam. Các thiết kế trong tác phẩm của đạo diễn Martin Scorsese được nhào nặn dưới tay Sandy Powell - nhà thiết kế từng ba lần đoạt giải Oscar.
Sandy Powell dựng lên một kho tàng thời trang cổ điển của nước Mỹ thời hậu Thế chiến II, với những "bố già" mafia lịch lãm cùng vest, áo khoác măng tô hay cặp kính. Những bộ suit chuẩn mực với chất liệu, đường cắt lẫn phom dáng của thập niên 1970 giúp khán giả chiêm ngưỡng trọn vẹn tinh hoa của tủ đồ quý ông thời đại trước. Phụ kiện ấn tượng tô điểm thêm vẻ hào nhoáng cho giới quý tộc thập niên 1960-1970 như nhẫn to bản, kính phi công, khăn choàng... Ngoài ra, sơ mi kèm áo khoác da được lăng xê suốt bộ phim, bất chấp độ tuổi, thời tiết và hoàn cảnh.
Trang phục giới mafia trong "The Irishman"
Trong suốt thời lượng 3,5 giờ, diễn viên Robert De Niro thay 101 bộ trang phục, phù hợp tạo hình từ một người làm thuê đến tay sát thủ khét tiếng. Con số này vượt qua 85 bộ trang phục Madonna mặc trong Evita . Dù vậy, theo Variety , đứng cạnh những đối thủ như Once Upon a Time in Hollywood, Joker hay Jojo Rabbit, trang phục của The Irishman yếu thế về sự bắt mắt.
Sao Mai (video: Youtube )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét