Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cùng các đơn vị công an đã phát hiện, xử lý 26 vụ liên quan đến các hành vi mua bán, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các loại mặt hàng khẩu trang, dung dịch nước rửa tay không rõ nguồn gốc.
Số khẩu trang và dung dịch nước rửa tay bị thu giữ. Ảnh: Bộ Công dịch thuật an |
Điển hình là vụ tổ công tác của C03 phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra xe tải biển Hải Dương do Vũ Văn Khoa là chủ xe, chở 25.000 khẩu trang y tế không có hóa đơn chứng từ đến quận Nam Từ Liêm ngày 3/2.
Qua điều tra ban đầu, C03 xác định Liêu Văn Hải đã đặt mua 50.000 khẩu trang y tế của một số người qua mạng xã hội Facebook, Zalo với giá 125.000 đồng một hộp và bán lại cho một người quen giá 145.000 đồng một hộp. Hải và Khoa chở hàng, giao dịch một lần (25.000 chiếc), lần thứ hai đang vận chuyển đến quận Nam Từ Liêm thì bị bắt giữ.
Khẩu trang giả không nhãn mác bị cảnh sát thu giữ. Ảnh: Bộ Công an |
Trước đó ngày 1/2, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt phát hiện ôtô chở 300.000 chiếc khẩu trang y tế 4 lớp, không có giấy tờ hợp lệ, có dấu hiệu xuất lậu đi Trung Quốc...
Theo Bộ Công an, các hành vi đầu cơ, tích trữ và nâng giá, buôn bán hàng giả, kém chất lượng trong đợt dịch nCoV sẽ tiếp tục bị xử lý nghiêm.
Cùng ngày, theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường, 5 ngày qua, lực lượng này đã kiểm tra, xử lý 2.180 vụ, tạm giữ gần 466.330 chiếc khẩu trang.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tới sáng 4/2, 425 người ở Trung Quốc và một người ở Philippines thiệt mạng, hơn 20.600 người nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Hiện ngoài Trung Quốc, 26 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV.
Việt Nam công bố dịch ngày 1/2, đến chiều 4/2 có 9 ca nhiễm nCoV.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét